Hôm nay4
Tháng này532
Năm này2360
CHUYỂN ĐỔI SỐ TRÊN MỘT SỐ NGÀNH, LĨNH VỰC
1. Lĩnh vực y tế: Đẩy mạnh triển khai nền tảng tư vấn, khám chữa bệnh từ xa kết nối giữa các bệnh viện ở các tuyến, góp phần cải cách hành chính, giảm tải các cơ sở y tế, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Triển khai hồ sơ bệnh án điện tử tiến tới không sử dụng bệnh án giấy; triển khai các nền tảng: Quản lý xét nghiệm, tiêm chủng, trạm y tế, hồ sơ sức khỏe cá nhân, nền tảng số kết nối các chuyên gia lĩnh vực y tế, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hỗ trợ, phân tích, chẩn đoán bệnh.
2. Lĩnh vực giáo dục và đào tạo: Triển khai áp dụng công nghệ số, hình thành thế hệ công dân số và doanh nhân số. Tăng cường đưa các hoạt động giáo dục lên môi trường số, hoàn thiện hệ thống học bạ điện tử; số hóa, xây dựng cơ sở tài liệu, giáo trình điện tử; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo hình thức trực tiếp và trực tuyến; triển khai thanh toán học phí, lệ phí qua mạng cho các trường học; triển khai nền tảng số kết nối, phục vụ trực tuyến toàn tỉnh cho công tác tuyển sinh, giảng dạy, học tập, thi cử, xử lý học vụ và cấp bằng, hình thành hệ sinh thái phát triển giáo dục số.
3. Lĩnh vực nông nghiệp và quản lý, bảo vệ rừng: Phát triển nông nghiệp số gắn với nông nghiệp sinh thái; nông dân chuyên nghiệp, văn minh; chuyển dần từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế số nông nghiệp, mỗi hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ; phát triển các nền tảng số phục vụ nhu cầu người nông dân, kết nối người nông dân và chuyên gia nông nghiệp, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hỗ trợ, phân tích, phát hiện sớm dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; nền tảng truy xuất nguồn gốc nông sản; quản lý, giám sát chất lượng sản phẩm nông nghiệp từ địa phương khác nhập vào tỉnh; tăng cường kinh doanh qua mạng, phát triển thương mại điện tử đối với sản phẩm nông nghiệp. Đầu tư trang thiết bị hiện đại phục vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng: Máy bay không người lái (Drone), thiết bị bay không người lái (Flycam), thiết bị giám sát vị trí GPS và cảnh báo tiếng động,...; đẩy mạnh các ứng dụng công nghệ: GIS, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (BigData), công nghệ viễn thám,… phục vụ chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, thống kê, kiểm kê, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, hỗ trợ công tác tuần tra, bảo vệ rừng, nâng cao năng lực cho lực lượng kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng; đồng bộ hóa việc cập nhật cơ sở dữ liệu về rừng và quy hoạch phát triển rừng trên các hệ thống thông tin quản lý của tỉnh và của Tổng cục Lâm nghiệp.
4. Lĩnh vực du lịch: Cung cấp đầy đủ thông tin và trải nghiệm trực tuyến cho du khách trước và trong khi thực hiện chuyến đi theo thời gian thực; mỗi doanh nghiệp du lịch là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số; phát triển các nền tảng số kết nối cung và cầu về du lịch. Triển khai nền tảng dữ liệu số du lịch, cơ quan nhà nước đóng vai trò dẫn dắt, doanh nghiệp du lịch làm nòng cốt, khách du lịch tham gia tích cực trong việc thu thập, chuẩn hóa, cung cấp dữ liệu. Nền tảng du lịch số phục vụ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp du lịch, kết nối doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ du lịch với các nhà phân phối, đại lý du lịch trực tuyến và các sàn giao dịch du lịch, phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh. Nền tảng mô hình hóa đa chiều phục vụ phát triển bảo tàng số, du lịch số.
5. Lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thương mại điện tử: Phát triển đa dạng các kênh phân phối, đổi mới sáng tạo, tự động hóa quy trình, thúc đẩy hợp tác với các công ty công nghệ tài chính và trung gian thanh toán trong việc xây dựng hệ sinh thái dịch vụ tài chính ngân hàng, đưa dịch vụ tài chính, ngân hàng đến gần hơn người dân vùng sâu, vùng xa. Triển khai tài chính điện tử và thiết lập nền tảng tài chính số hiện đại, bền vững. Triển khai ứng dụng toàn diện công nghệ số trong các ngành thuế, hải quan, kho bạc, chứng khoán. Xây dựng thị trường thương mại điện tử lành mạnh, có tính cạnh tranh và phát triển bền vững; hình thành hệ sinh thái gắn kết doanh nghiệp thương mại điện tử với các nhà sản xuất, nhà phân phối để quản lý chuỗi cung ứng. Hỗ trợ người dân đưa các sản phẩm, dịch vụ của mình lên sàn thương mại điện tử.
6. Lĩnh vực giao thông - vận tải và logistics: Phát triển hệ thống giao thông thông minh, tập trung vào các hệ thống giao thông đô thị, đường cao tốc. Triển khai các hệ thống thông minh hỗ trợ người dân, du khách tìm kiếm, sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Triển khai cổng thông tin giao thông trực tuyến, hệ thống giám sát, quản lý thu phí đậu đỗ xe thông minh; hệ thống giám sát và điều khiển giao thông qua camera theo thời gian thực. Số hóa hạ tầng giao thông trên bản đồ số phục vụ xây dựng, duy tu, bảo dưỡng công trình giao thông, quản lý quy hoạch giao thông, chia sẻ cho các cơ quan liên quan. Hình thành các trung tâm kho bãi, chia chọn tự động dựa trên công nghệ số phục vụ logistics.
7. Lĩnh vực tài nguyên và môi trường: Xây dựng hệ thống thông tin quản lý quy hoạch về đất đai; cơ sở dữ liệu quản lý các quy hoạch thuộc lĩnh vực tài nguyên - môi trường từ cấp tỉnh đến cấp xã theo hướng ứng dụng công nghệ hiện đại thích ứng với quá trình chuyển đổi số quốc gia; tiếp tục hoàn thiện các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu lớn nhằm quản lý hiệu quả lĩnh vực tài nguyên và môi trường đảm bảo kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu dùng chung với các hệ thống thông tin quốc gia và các ngành, lĩnh vực khác; triển khai các giải pháp, ứng dụng thông minh trong quan trắc, giám sát, quản lý, phân tích, dự báo, cảnh báo sớm thiên tai, xử lý sự cố môi trường; xây dựng hệ thống tính toán dữ liệu quy hoạch môi trường cho phát triển bền vững, đa dạng sinh học, nguồn thải, biến đổi khí hậu, khí tượng, thủy văn, địa chất, khoáng sản; xây dựng cổng thông tin không gian địa lý và cổng thông tin dữ liệu tài nguyên môi trường của tỉnh; hệ thống kho dữ liệu số tài nguyên môi trường.
8. Lĩnh vực công nghiệp, năng lượng: Tăng cường ứng dụng công nghệ số, nền tảng thu thập, phân tích dữ liệu phục vụ hoạch định tối ưu nguồn lực, hỗ trợ quản lý, điều hành, giám sát, điều khiển tự động các hệ thống, dây chuyền sản xuất công nghiệp. Phát triển kỹ năng số cho người lao động. Chuyển đổi số trong lĩnh vực năng lượng, ưu tiên cho ngành điện lực hướng đến tối đa hóa và tự động hóa các mạng lưới cung ứng điện một cách hiệu quả; xây dựng, hoàn thiện hạ tầng dữ liệu lưới điện; ứng dụng công nghệ số trong điều hành, quản lý, giám sát việc cung cấp, truyền tải, phân phối và tiêu thụ điện.
9. Lĩnh vực xây dựng: Phát triển cơ sở dữ liệu hạ tầng đô thị hướng tới đô thị thông minh bền vững, hợp nhất các cơ sở dữ liệu hạ tầng đô thị, quy hoạch, quản lý quy hoạch, xây dựng, giao thông, cấp thoát nước, cây xanh, phòng cháy, chữa cháy, viễn thông, lưới điện,... thống nhất, đồng bộ trên bản đồ nền tảng GIS dùng chung; ứng dụng nền tảng mô hình thông tin công trình (BIM) cho việc xây dựng quy trình nhận hồ sơ, thẩm định dự án xây dựng, đầu tư xây dựng công trình. Số hóa các hồ sơ quy hoạch nhằm cung cấp thông tin cho người dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư theo đúng quy định; tích hợp thông tin pháp lý đối với công tác quản lý dân cư, đất đai, giao thông và các dịch vụ công trong đô thị; cải cách hành chính, hiện đại hóa và đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong các lĩnh vực quy hoạch, xây dựng, phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật đô thị.
Nguồn: Chuyển đổi số Lâm Đồng