Hôm nay0
Tháng này547
Năm này1974
I. ĐẶC ĐIỂM, DẤU HIỆU NHẬN BIẾT VÀ CÁCH NGĂN CHẶN
1. Triệu chứng
Lợn bị nhiễm Dịch tả lợn châu Phi có nhiều triệu chứng, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Lợn bệnh biểu hiện các triệu chứng không khác biệt so với triệu chứng của bệnh Dịch tả lợn cổ điển (đã và đang có tại Việt Nam). Do đó, việc chẩn đoán DTLCP khó có thể thể xác định và phân biệt được bằng các triệu chứng lâm sàng; cần lấy mẫu gửi phòng thí nghiệm để xét nghiệm phát hiện vi rút Dịch tả lợn châu Phi.
- Thể quá cấp tính: là do vi rút độc lực cao, lợn chết nhanh, sốt cao 41 - 42 °C, kéo dài 2-3 ngày, chết trong vòng 4 ngày, có thể chưa biểu hiện triệu chứng rõ ràng.
- Thể cấp tính: là do vi rút có độc lực cao gây ra, lợn sốt cao (41-42°C). Lợn không ăn, lười vận động, ủ rũ, nằm chồng đống, lợn thích nằm chỗ có bóng râm hoặc gần nước. Lợn có biểu hiện đau vùng bụng, lưng cong, di chuyển bất thường, một số vùng da trắng chuyển sang màu đỏ, đặc biệt là ở vành tai, đuôi, cẳng chân, da phần dưới vùng ngực và bụng, có thể có màu sẫm xanh tím. Trong 1-2 ngày trước khi con vật chết, có triệu chứng thần kinh, di chuyển không vững, nhịp tim nhanh, thở gấp, khó thở hoặc có bọt lẫn máu ở mũi, viêm mắt, nôn mửa, tiêu chảy đôi khi lẫn máu hoặc có thể táo bón, phân cứng đóng viên có kích thước nhỏ, có chất nhầy và máu, da tím tái sau 24-48h. Lợn sẽ chết trong vòng 6-13 hoặc 20 ngày. Tỷ lệ tử chết cao lên tới 100%.
- Thể á cấp tính: gây ra bởi vi rút có độc tính trung bình, lợn biểu hiện triệu chứng không nghiêm trọng. Lợn sốt nhẹ hoặc sốt lúc tăng lúc giảm, giảm ăn, sụt cân, ủ rũ, viêm toàn bộ phổi nên khó thở, ho có đờm, phổi có thể bội nhiễm vi khuẩn kế phát, viêm khớp, vận động khó khăn. Bệnh kéo dài 5-30 ngày, lợn chết trong vòng 15-45 ngày, tỉ lệ chết khoảng 30-70 %.
- Thể mãn tính: gây ra bởi vi rút có độc tính trung bình hoặc thấp. Lợn có nhiều triệu chứng khác nhau, chẳng hạn như giảm cân, sốt không ổn định, có triệu chứng hô hấp, hoại tử da, hoặc viêm loét da mãn tính, viêm khớp, viêm cơ tim, viêm phổi dính sườn. Triệu chứng kéo dài 2-15 tháng, có tỷ lệ tử vong thấp.
2. Chẩn đoán bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (cách nhận biết)
Dựa vào triệu chứng, bệnh tích của lợn ốm để nhận biết bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, tuy nhiên bệnh Dịch tả lợn Châu Phi khó có thể phân biệt được với bệnh Dịch tả lợn cổ điển nếu chỉ dựa vào các triệu chứng lâm sàng và bệnh tích. Vì vậy, trong mọi trường hợp, phải lấy mẫu xét nghiệm để xác định mầm bệnh.
3. Các biện pháp phòng bệnh
- Thường xuyên vệ sinh, sát trùng, tiêu độc và chăn nuôi lợn an toàn sinh học.
- Tăng cường công tác chăm sóc, nuôi dưỡng bảo đảm cho lợn đầy đủ dinh dưỡng; được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo hướng dẫn của cơ quan thú y; thường xuyên theo dõi, phát hiện để có biện pháp can thiệp kịp thời, khi thấy lợn nghi bị bệnh cần báo cho chính quyền địa phương, cơ quan thú y nơi gần nhất.
- Chấp hành quy định về khai báo dịch bệnh, các hộ chăn nuôi khi phát hiện lợn ốm có các biểu hiện nghi mắc bệnh DTLCP phải báo ngay cho chính quyền địa phương, cơ quan thú y và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định.
- Khi lợn tại hộ mắc bệnh DTLCP cần thực hiện đúng các hướng dẫn của cơ quan thú y để khoanh vùng, xử lý triệt để dịch bệnh, trong đó cần thực hiện triệt để các biện pháp “5 không” và “10 cấm” trong phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm này.
“5 không” trong phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi
1. Không giấu dịch.
2. Không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết.
3. Không giết mổ tiêu thụ.
4. Không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý nhiệt.
5. Không vứt lợn chết ra môi trường.
“10 cấm” trong phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi
“1 CẤM” sử dụng thức ăn thừa của người, các phụ phẩm chế biến từ nhà bếp chưa xử lý nhiệt cho lợn ăn. Trong thức ăn thừa hoặc phụ phẩm chế biến từ nhà bếp có thể lẫn thịt lợn, các sản phẩm chế biến thịt lợn nhiễm virus ASF.
“2 CẤM” đưa thịt lợn và các sản phẩm chế biến từ thịt lợn từ bên ngoài vào trang trại. Có thể sử dụng lợn nuôi tại trại làm thực phẩm. Cần chủ động tìm nguồn cung cấp thực phẩm uy tín, rõ nguồn gốc cho trại. Nhà ăn bố trí xa khu chăn nuôi, có người nấu ăn riêng cho cán bộ và công nhân làm việc trong trại, có rãnh thoát nước riêng từ nhà bếp vào hố biogas.
“3 CẤM” động vật hoang dã vào trại lợn, cấm nuôi và thả rông các động vật khác trong trại. Phòng các loại động vật (lợn hoang, chó, mèo, dơi, chuột) vào trại. Nuôi nhốt chó và kết hợp quản lý phòng dịch bên trong trại.
“4 CẤM” người chăn nuôi bên ngoài, người lạ vào trại khi chưa được phép. Tất cả người lạ, khách thăm quan trước khi vào chuồng, trại cần phải nghỉ cách ly lợn quy định mới được vào trong trại. Khi vào trại thực hiện sát trùng, tắm, thay quần áo, dung cụ thiết bị đặt trong tủ UV 5 phút. Thay ủng trước khi vào mỗi chuồng nuôi.
“5 CẤM” mang đồ sinh hoạt cá nhân, túi xách và thiết bị cá nhân vào chuồng nuôi. Các dung cụ, thiết bị cần thiết mang vào (bút, sổ sách, điện thoại) cần phải khử trùng trong tủ UV tối thiểu 5 phút. Tuyệt đối không mang túi xách, ví vào trong chuồng nuôi.
“6 CẤM” xe vận chuyển bên ngoài vào khu vực chăn nuôi, đặc biệt xe vận chuyển phân, lợn. Các xe cung ứng cám, thuốc cần thiết vào trại cần sát trùng kỹ, cách ly quy định vào đậu đỗ tại những nơi quy định. Xuất bán lợn tại cầu cân gần hàng rào xa chuồng nuôi, có điểm rửa – sát trùng trước và sau khi xuất bán lợn.
“7 CẤM” tuyệt đối các xe mua lợn sống, xe mua lợn loại vào trong trang trại chăn nuôi. Nên vận chuyển lợn bằng xe nội bộ ra điểm bán tập trung rồi bán cho khách sẽ giảm thiểu rủi ro.
“8 CẤM” vận chuyển lợn giống, hậu bị thay đàn từ vùng dịch vào trong trang trại chăn nuôi. Khi bắt buộc phải nhập hậu bị cần nuôi cách ly bên ngoài trại, xét nghiệm – kiểm tra định kỳ và đảm bảo mới cho nhập đàn.
“9 CẤM” sử dụng nước sông, hồ tự nhiên làm nước uống cho lợn vì tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh (ASF, FMD, PRRS) rất cao. Nếu bắt buộc phải sử dụng nước mặt từ các hồ chứa cần có hệ thống xử lý lọc đảm bảo, trước khi sử dung cho lợn cần khử trùng bằng Chloramin B.
“10 CẤM” bán hoặc giết mổ lợn ốm, lợn chết hoặc đưa lợn ốm, chết ra khỏi trại. Cần được xử lý ngay trong trại để giảm thiểu rủi ro từ xe khách đến mua lợn chết đến từ trại khác hoặc vùng có dịch tạo ra nguy cơ lây lan bùng phát bệnh cho các trang trại khác. Bán – giết mổ lợn ốm, lợn chết là hành vi vi phạm pháp luật.
(Tùy vào mức độ vi phạm có thể áp dụng các Điều khoản được quy định tại Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Thú y; Nghị định số 14/2021/NĐ-CP ngày 01/3/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi và một số Nghị định sửa đổi, bổ sung có liên quan).
II. VỆ SINH, KHỬ TRÙNG TIÊU ĐỘC MÔI TRƯỜNG
1. Tầm quan trọng của công tác vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường
Các mầm bệnh có thể gây ra dịch bệnh động vật khi có đầy đủ 03 yếu tố gồm mầm bệnh có khả năng gây bệnh, mầm bệnh có đủ số lượng để gây bệnh và có động vật thụ cảm với mầm bệnh gây bệnh. Tuy nhiện, việc vệ sinh, khử trùng, tiêu độc có thể tiêu diệt mầm bệnh hoặc làm giảm mật độ mầm bệnh trong môi trường nên đây là một trong những biện pháp ngăn chặn dịch bệnh hiệu quả. Do vậy, để bảo vệ đàn vật nuôi thì việc thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường trong hoạt động chăn nuôi thú y là hết sức cần thiết và cần phải thực hiện thường xuyên định kỳ theo hướng dẫn tại mục 4.
2. Nguyên tắc vệ sinh, khử trùng tiêu độc
- Người thực hiện khử trùng tiêu độc phải sử dụng bảo hộ lao động phù hợp.
- Hóa chất sát trùng ít độc hại đối với người, vật nuôi, môi trường; phải phù hợp với đối tượng khử trùng tiêu độc; có tính sát trùng nhanh, mạnh, kéo dài, hoạt phổ rộng, tiêu diệt được nhiều loại mầm bệnh.
- Trước khi phun hóa chất sát trùng phải làm sạch đối tượng khử trùng tiêu độc bằng biện pháp cơ học (quét dọn, cạo, cọ rửa).
- Pha chế và sử dụng hóa chất sát trùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất, bảo đảm pha đúng nồng độ, phun đúng tỷ lệ trên một đơn vị diện tích.
3. Loại hóa chất sát trùng
- Sử dụng hóa chất sát trùng trong Danh mục thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam như BENKOCIDE, FORDECIDE, BIO – XIDE … hoặc vôi bột.
4. Nội dung thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng
4.1. Cơ sở chăn nuôi
- Phát quang cây cỏ xung quanh chuồng nuôi, khơi thông cống rãnh, hàng ngày quét dọn thu gom phân rác, chất độn chuồng để đốt hoặc chôn.
- Phun khử trùng toàn bộ chuồng trại, khu vực chăn nuôi và vùng phụ cận mỗi tuần 01 lần.
- Vệ sinh, tiêu độc khử trùng dụng cụ chăn nuôi, các phương tiện dùng vận chuyển vật nuôi, sản phẩm vật nuôi, thức ăn…trước khi ra, vào cơ sở.
4.2. Các cơ sở giết mổ vật nuôi
- Nơi nhốt động vật nuôi chờ giết mổ phải được vệ sinh, thu gom rác thải để chôn hoặc đốt, sau đó phun tiêu độc khử trùng. Toàn bộ khu vực nhốt, giữ phải được vệ sinh tiêu độc, khử trùng hàng ngày.
- Phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật phải được vệ sinh, tiêu độc, khử trùng trước khi ra khỏi cơ sở giết mổ.
- Nơi giết mổ phải được vệ sinh tiêu độc khử trùng sau mỗi ca sản xuất.
- Định kỳ thực hiện tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng toàn bộ cơ sở giết mổ.
- Phát quang cây cỏ xung quanh cơ sở, nhà xưởng; khơi thông cống rãnh.
4.3. Chợ buôn bán động vật nuôi sống và sản phẩm động vật nuôi
- Quét dọn và phun khử trùng khu vực buôn bán động vật, sản phẩm động vật và các vật dụng liên quan vào cuối mỗi buổi chợ.
- Những quầy bán thịt phải được vệ sinh sạch sẽ và phun thuốc tiêu độc sát trùng vào cuối mỗi buổi chợ.
- Quét dọn và xử lý chất thải rắn trong chợ bằng biện pháp chôn hoặc đốt.
4.4. Nơi công cộng, đường làng, ngõ xóm
- Thường xuyên vệ sinh, quét dọn và thu gom rác thải để xử lý.
- Tổ chức phun tiêu độc, khử trùng, khơi thông cống rãnh một tuần 1 lần.
Căn cứ hướng dẫn nội dung thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng nêu trên, đề nghị các cơ sở chăn nuôi, các cơ sở giết mổ động vật nuôi tự mua hoá chất định kỳ và thường xuyên thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường trong hoạt động chăn nuôi tại cơ sở để bảo vệ đàn vật nuôi được tốt nhất.
![]() |